KẾ HOẠCH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KHOA NGOẠI NGỮ
GIAI ĐOẠN 2016-2020, TẦM NHÌN 2030
I. CĂN CỨ
- Căn cứ vào Sứ mệnh, Tầm nhìn và chiến lược phát triển Trường Đại học Quy Nhơn giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030; Thông điệp của Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2017-2022;
- Căn cứ vào định hướng của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 theo quyết định 1400-QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ và nhu cầu mở rộng, phát triển và tiềm lực của Khoa Ngoại ngữ;
- Căn cứ những thành tựu và hạn chế của Khoa Ngoại ngữ giai đoạn 2011-2015
II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC GIAI ĐOẠN 2011-2015
Chương trình 1: Phát triển nguồn nhân lực
Thành tựu:
Sau 25 năm Khoa Ngoại ngữ đã phát triển nhanh, vững chắc và toàn diện nguồn nhân lực, chuẩn hoá và nâng chất đội ngũ giảng viên, cán bộ, chuyên viên về giảng dạy, nghiên cứu, quản lý, đáp ứng những yêu cầu mới của công tác đào tạo đại học trong thời kỳ hội nhập.
Khoa đã chuẩn hoá đội ngũ một cách mạnh mẽ, thay đổi cơ cấu giảng viên, nâng dần về trình độ, mở rộng lĩnh vực giảng dạy để có thể đảm đương hết mọi lĩnh vực đào tạo, giảm dần số lượng giảng viên thỉnh giảng. Nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý Bộ môn/Khoa, thư ký, trợ lý . Có BCN Khoa đủ số lượng, đoàn kết, mạnh. Số lượng nguồn nhân lực tại khoa năm 2015 là: tiến sĩ 8, ThS 35, NCS: 2
Hạn chế:
Tuy phát triển về số lượng, quy mô và chất lượng tốt, song nhân sự của Khoa Ngoại ngữ vẫn thiếu ở các lĩnh vực khoa học khác như ngành biên phiên dịch chưa có các chuyên gia về giảng dạy, ngành Phương pháp dạy học chưa có trình độ tiến sĩ, chuyên môn sâu của khoa vẫn tập trung vào chuyên ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ so sánh đối chiếu.
Chương trình 2: Đào tạo
Thành tựu:
Nâng chất lượng theo hướng cung cấp tri thức cơ bản, tổng hợp và kỹ năng hiện đại, sáng tạo, cụ thể.
Duy trì quy mô đào tạo hợp lý, đa dạng hóa các phương thức và loại hình đào tạo; góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, quảng bá thương hiệu. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện phương pháp giảng dạy hiện đại, phù hợp với yêu cầu của học chế tín chỉ.
Đã hoàn thành đề án mở ngành đào tạo bậc cao học cho ngành Ngôn ngữ Anh
Để thực hiện các mục tiêu nói trên, Khoa đã thực hiện đồng bộ các giải pháp:
-Về chương trình giáo dục:
+ Chuẩn hoá mục tiêu giáo dục và chuẩn đầu ra của Khoa.
+ Định kỳ rà soát, cải tiến tất cả chương trình giáo dục trên cơ sở tham khảo các chương trình phù hợp của các nơi đào tạo cùng ngành, và ý kiến phản hồi của nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, sinh viên.
+ Lựa chọn và sử dụng giáo trình, tài liệu tham khảo có giá trị về hai chuyên ngành Ngôn ngữ Anh và Sư phạm Anh. Thúc đẩy mạnh mẽ việc biên soạn giáo trình tiếng Anh riêng của Khoa nhằm bổ sung và thay thế những giáo trình cũ, không phù hợp.
- Về quy mô đào tạo:
+ Duy trì quy mô đào tạo hệ chính quy từ 100 đến 300 sinh viên/năm.
+ Tuyển sinh khóa đầu tiên với 45 học viên.
+ Chú trọng phát triển loại hình đào tạo vừa học vừa làm, liên thông và văn bằng 2.
- Về phương pháp giảng dạy:
+ Tổ chức và tham gia các hội thảo/seminar về đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh và giáo trình giảng dạy tiếng Anh
+ Tiếp tục tổ chức dự giờ và cải tiến chất lượng dự giờ; lấy ý kiến sinh viên, cựu sinh viên về môn học, khoá học và gửi kết quả khảo sát đến giảng viên để điều chỉnh, cải tiến phương pháp giảng dạy.
-Về quản lý đào tạo:
+ Tăng cường tính chuyên nghiệp trong quản lý đào tạo của BCN Khoa, các trợ lý, đặc biệt là trợ lý đào tạo.
+ Thiết lập và vận hành hiệu quả cơ chế phối hợp giữa Bộ môn và giảng viên, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên trong quản lý đào tạo.
+ Tăng cường tính hiệu quả trong hoạt động của cố vấn học tập.
Hạn chế:
Mặc dù rất cố gắng trong việc cải thiện giáo trình, nâng cao chất lượng đào tạo nhưng với đội ngũ nhân sự còn mỏng, khối lượng công việc rất lớn, Khoa Ngoại ngữ chưa biên soạn được nhiều giáo trình riêng để phục vụ công tác giảng dạy.
Chưa thực hiện được chương trình đào tạo bậc cao học cho chuyên ngành Lý luận phương pháp dạy học Tiếng Anh.
Chương trình 3: Nghiên cứu khoa học
Thành tựu:
Tập trung xây dựng và phát triển các đề tài nghiên cứu lớn liên quan đến Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.
Khuyến kích giảng viên công bố các công trình trên các tạp chí khoa học, đặc biệt là các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành có uy tín
Kết quả cụ thể:
-Nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên: có 4 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp của cán bộ giảng viên đã được thực hiện
- Nghiên cứu khoa học sinh viên: sinh viên Khoa Ngoại ngữ có tinh thần nghiên cứu khoa học, say mê tìm hiểu, ở các năm học 2011 -2015 sinh viên các khóa đều có công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng.
-Hội thảo và các hoạt động liên quan: Trong giai đoạn 2011-2015, Khoa Ngoại ngữ đã phối hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 tổ chức 64 hội thảo. Nhìn chung, Khoa Ngoại ngữ đã hoàn thành khá tốt chỉ tiêu về nghiên cứu khoa học.
Hạn chế:
- Số lượng bài đăng tạp chí đã đạt được nhưng chất lượng chưa thật cao.
- Số lượng đề tài nghiên cứu còn ít, chất lượng chưa cao.
- Về nghiên cứu khoa học sinh viên: Số lượng sinh viên NCKH còn ít so với nhiều khoa.
- Tình hình nghiên cứu khoa học của Khoa Ngoại ngữ phát triển rất mạnh mẽ nhưng sự trưởng thành của các nhà khoa học/giảng viên trẻ còn chậm, chưa được như mong muốn.
Chương trình 4: Hợp tác quốc tế
Thành tựu:
Từ năm 2011 đến 2015, Trường Đại học Quy nhơn đã kí kết Văn bản ghi nhớ và Văn bản hợp tác trao đổi sinh viên, giảng viên với nhiều trường đại học danh tiếng tại Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Ba Lan, Thái Lan liên quan đến hoạt động khoa.
Phát huy thế mạnh của Khoa trong hợp tác quốc tế để đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hiệu quả hợp tác với các đối tác quốc tế.
Hạn chế:
Kết quả của các hoạt động quan hệ quốc tế chưa được cao như kỳ vọng.
Chương trình 5. Công tác chính trị - tư tưởng, công tác sinh viên
Thành tựu:
5.1 Công tác chính trị tư tưởng:
- Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự kỷ cương, an toàn xã hội;
-Củng cố và nâng cao ý thức công chức, bản lĩnh chính trị trong CBVC; phát huy tinh thần dân chủ, tính năng động, sáng tạo của CBVC, phát huy tốt tinh thần “kỷ cương – trách nhiệm - dân chủ - lợi ích”.
-Chấp hành sự lãnh đạo của trường, tăng cường vai trò lãnh đạo của Ban chủ nhiệm Khoa, vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội đối với các hoạt động của Khoa.
- Phát triển 1 đảng viên mới là GV, và 11 đảng viên mới là SV
5.2 Công tác sinh viên:
- Ban chủ nhiệm cùng toàn thể cán bộ Khoa Ngoại ngữ luôn cố gắng:
- Tạo môi trường chính trị, xã hội tốt để sinh viên trường học tập, rèn luyện.
- Duy trì mối liên hệ thường xuyên và tranh thủ sự ủng hộ của cựu sinh viên trong các hoạt động của Khoa.
- Nâng cao vai trò trách nhiệm của cố vấn học tập.
- Duy trì, củng cố quan hệ chặt chẽ với Đoàn TN, Hội SV.
Hạn chế:
- Sinh viên của Khoa chưa thật năng động trong việc triển khai các hoạt động xã hội.
- Việc xây dựng mạng lưới cựu sinh viên triển khai còn chậm
Chương trình 6. Cơ sở vật chất
Thành tựu:
Ban chủ nhiệm Khoa cùng toàn thể cán bộ luôn quán triệt công tác cơ sở vật chất:
- Quản lý, sử dụng các cơ sở vật chất, trang thiết bị mà trường giao cho một cách có hiệu quả phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập.
- Tranh thủ viện trợ của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 để tăng cường cơ sở vật chất của Khoa.
- Quản lý 1 văn phòng và 4 phòng lab, sử dụng các trang thiết bị một cách có hiệu quả phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập.
Hạn chế:
Nhân viên chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất của khoa đôi khi còn trễ nải trong công việc, dẫn đến chất lượng các phòng lab đôi khi chưa đủ tốt để phục vụ GV và SV.
Chương trình 6. Quản trị đại học, đảm bảo chất lượng
Thành tựu:
1 Quản trị đại học:
Bước đầu áp dụng công nghệ tin học vào quản trị cấp Khoa.
2 Đảm bảo chất lượng:
Khoa luôn có ý thức lưu giữ dữ liệu đầy đủ, phục vụ cho công tác tự đánh giá theo các bộ tiêu chuẩn, chuẩn bị tham gia kiểm định khi hội đủ điều kiện về thời gian.
Hạn chế:
Chưa có nhiều hướng dẫn cụ thể từ phía nhà trường và các mẫu chương trình M3 và M4 chưa cập nhật theo yêu cầu kiểm định dẫn đến thay đổi nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác đảm bảo chất lượng.
III. KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN 2016-2020- TẦM NHÌN 2030
1. PHÂN TÍCH BỐI CẢNH
1.1. Bối cảnh
Ngành Ngôn ngữ Anh và Sư phạm Anh đang hấp dẫn, rất có triển vọng. Thủ tướng chính phủ đã kỳ vọng rất lớn vào việc sử dụng tiếng Anh trong các thế hệ trẻ và luôn có những theo dõi và đánh giá tiến độ của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Trường ĐH Quy Nhơn rất coi trọng đào tạo Ngôn ngữ Anh và Sư phạm tiếng Anh, và nhìn nhận rằng NNA và SPA là hai ngành trung tâm, có chủ trương xây dựng thành ngành đào tạo mạnh của Trường.
.
Khoa Ngoại Ngữ của Trường ĐH Quy Nhơn là một trong những cơ sở đào tạo Ngôn ngữ Anh và Sư phạm Anh có uy tín cả khu vực và cả quốc gia. Khoa Ngoại Ngữ cũng có đội ngũ giảng viên đông đảo và có trình độ cao.
.
1.2. Cơ hội và thách thức
Điểm mạnh (S – Strength)
S1: Khoa Nhoại ngữ có đội ngũ giảng viên đông đảo và có chất lượng cao.
S2: Khoa Ngoại Ngữ có quan hệ hợp tác quốc tế rộng rãi và ngày càng mở rộng.
S3: Khoa Ngoại Ngữ đào tạo có địa chỉ và theo yêu cầu nhân lực của tỉnh và của khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Điểm yếu (W - Weakness):
W1: Giảng viên có học hàm, học vị cao được đào tạo ở các nước nói tiếng Anh còn ít, phần đông giảng viên mới có học vị ThS, vẫn đang là nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Hơn nữa, phần đông giảng viên là nữ, mất cân đối giữa nam và nữ giảng viên.
W2: Giảng viên có xu hướng tập trung giảng dạy tiếng Anh, giảng dạy chuyên ngành còn ít, chưa có nhiều kinh nghiệm và thành tích về nghiên cứu khoa học.
W3: Việc tuyển lựa giảng viên có năng lực gặp nhiều khó khăn vì mức lương và điều kiện làm việc ở Trường không cạnh tranh được với chế độ đãi ngộ của các công ty, tổ chức ở bên ngoài.
W4: Chương trình đào tạo chưa giải quyết tốt quan hệ giữa các học phần, giữa học và hành, quan hệ giữa nhà trường và giới doanh nghiệp, chưa đáp ứng thật sự tốt nhu cầu xã hội.
W5: Có quan hệ rộng rãi với các trường đại học và tổ chức của các nước nói tiếng Anh như New Zealand, Mỹ và Úc nhưng tính hiệu quả chưa cao.
W6: Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ đào tạo (các phòng lab, phòng tư liệu, máy vi tính, sách, băng đĩa…) chưa thuộc loại tốt, nên chưa đáp ứng nhu cầu của người sử dụng
W7: Chưa tận dụng hết nguồn nhân lực tiếng Trung Quốc ở trong khoa
Cơ hội (O – Opportunity):
O1: Chính phủ, các tổ chức, công ty, trường đại học, viện nghiên cứu của Quốc gia quan tâm phát triển ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh, tiếng Trung nói riêng.
O2: Quan hệ Việt Nam và các nước lên tầm đối tác chiến lược sâu rộng, do đó nhu cầu xã hội ở Việt Nam về nguồn nhân lực có trình độ tiếng Anh và tiếng Trung tăng mạnh.
O3: ĐH Quy Nhơn đóng trên địa bàn của TP. Quy Nhơn thuộc tỉnh Bình Định, là đầu mối cung cấp nguồn nhân lực cao về tiếng Anh và tiếng Trung cho sự phát triển của khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
O4: Khoa Ngoại Ngữ của ĐH Quy Nhơn là một trong cơ sở đào tạo tiếng Anh sớm nhất và uy tín nhất khu vực được đánh giá cao bởi Đề án Ngoại Ngữ Quốc gia 2020.
O5: Ban Giám hiệu ĐH Quy Nhơn quan tâm sâu sắc và có định hướng phát triển mạnh ngành NNA và SPA, ủng hộ mở lại ngành Ngôn Ngữ Trung Quốc.
.
Thách thức (T: Threat)
T1: Xu thế cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các trường Đại học về đào tạo ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh, tiếng Trung nói riêng.
T2: Chưa có hệ thống giáo trình, sách tham khảo cần thiết, đội ngũ nghiên cứu và đào tạo còn mỏng và thiếu các chuyên gia hàng đầu, uy tín.
T3: Cơ chế quản lý chưa thật thông thoáng cho những hợp tác về du học, trao đổi sinh viên với các trường, viện, các tổ chức ở các nước nói tiếng Anh.
Tóm lại,qua phân tích các điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức cho thấy Khoa Ngoại Ngữ, ĐH Quy Nhơn có những điểm mạnh hết sức cơ bản, vượt trội so với các cơ sở đào tạo khác; một số điểm yếu thì là điểm yếu cần khắc phục trong tương lai. Những cơ hội cho thấy Khoa Ngoại Ngữ có đầy đủ thiên thời – địa lợi – nhân hòa để phát triển; trong các thách thức, một số là những thách thức có tính hệ thống của giáo dục đại học Việt Nam, một số là những thách thức có tính nhất thời, có thể ứng đối và cải thiện.
2. TẦM NHÌN, SỨ MẠNG VÀ MỤC TIÊU
1. Tầm nhìn:
Khoa định hướng trở thành một trong những trung tâm hàng đầu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên về đào tạo Ngôn ngữ Anh, Sư phạm Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc đến năm 2030
2. Sứ mạng:
Là nơi đào tạo, nghiên cứu và cung ứng nguồn nhân lực cao về tiếng Anh và tiếng Trung.
3. Mục tiêu trọng tâm giai đoạn 2016-2020
Mục tiêu chung: Trong giai đoạn 2016-2020 là xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, có trình độ về chuyên môn, có năng lực ngoại ngữ và có lòng say mê nghề nghiệp, xây dựng các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc gia.
4. Triết lý giáo dục :
Xây dựng và phát triển khoa Ngoại Ngữ theo triết lý giáo dục của toàn trường: Toàn diện- Khai phóng - Thực nghiệp.
3. NỘI DUNG KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2016-2020
Chương trình 1: Phát triển nguồn nhân lực
1.1. Mục tiêu chung:
Mục tiêu chung: Phát triển nhanh, vững chắc, chuẩn hoá đội ngũ một cách mạnh mẽ, thay đổi cơ cấu giảng viên, nâng dần về trình độ, mở rộng lĩnh vực giảng dạy để có thể đảm đương hết mọi lĩnh vực đào tạo, chỉ mời thỉnh giảng các giáo sư ở các cơ sở đào tạo uy tín trong nước hoặc nước ngoài
1.2. Mục tiêu cụ thể:
Đến năm 2020, Khoa sẽ có 3 PGS.TS, 12 TS, 4 NCS và những giáo viên còn lại của Khoa có bằng ThS.
1.3. Nhóm giải pháp:
Xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhân sự theo từng năm học, ưu tiên những ứng viên có trình độ cao, học tập, nghiên cứu từ nước ngoài về. Tạo điều kiện cho giảng viên đi các nước Âu-Mỹ học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn tiếng Anh, tiếng Trung và các ngoại ngữ khác. Tăng cường các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, các trường Đại học ở các nước Âu - Mỹ, Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN.
Phấn đấu đến năm 2020 ổn định 45 người, (đã tính đến số GV về hưu ) trong đó chuẩn bị tuyển thêm các GV có trình độ tiếng Trung để chuẩn bị mở lại ngành Ngôn ngữ Trung.
Chương trình 2: Đào tạo
2.1. Mục tiêu chung:
Xác định đào tạo theo định hướng nghiên cứu ứng dụng, cung cấp tri thức cơ bản, tổng hợp và kỹ năng hiện đại, sáng tạo, cụ thể, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan đến ngành Ngôn Ngữ Anh , Sư phạm Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
- Đa dạng hóa các phương thức và loại hình đào tạo gồm bậc đại học thông thường, đại học chất lượng cao, sau đại học; tiếp tục đổi mới và hoàn thiện phương pháp giảng dạy hiện đại, phù hợp với yêu cầu của học chế tín chỉ.
- Tiếp tục thực hiện và cải tiến chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học cho phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội; xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Phương pháp giảng dạy tiếng Anh.
2.3. Nhóm giải pháp
Chuẩn hoá mục tiêu giáo dục và chuẩn đầu ra của Khoa. Định kỳ rà soát, cải tiến tất cả chương trình giáo dục cho phù hợp hơn với yêu cầu công việc sau khi ra trường của sinh viên.
Thường xuyên tham khảo, cập nhật các thay đổi của các chương trình đào tạo tương đương ở các trường đại học uy tín trong và ngoài nước.
Đổi mới, bổ sung và cập nhật nội dung giáo trình, lựa chọn và sử dụng giáo trình, tài liệu tham khảo có giá trị mới trong học thuật liên quan đến các chuyên ngành của Khoa. Thúc đẩy mạnh mẽ việc biên soạn giáo trình sử dụng trong đào tạo sinh viên bậc đại học và sau đại học của Khoa.
Tăng cường tính chuyên nghiệp trong quản lý đào tạo của Ban lãnh đạo Khoa, các trợ lý, đặc biệt là trợ lý đào tạo. Thiết lập và vận hành hiệu quả cơ chế phối hợp giữa Khoa và giảng viên, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên trong quản lý đào tạo. Tăng cường tính hiệu quả trong hoạt động của cố vấn học tập cho từng lớp.
2.4. Các chỉ tiêu
Phát triển quy mô đào tạo hệ chính quy từ 200 đến 400 sinh viên/năm,
Tăng cường đào tạo cử nhân hệ Văn bằng 2, liên thông và vừa làm vừa học
Soạn thảo đề án và tiến hành đào tạo sau đại học chuyên ngành Lý luận phương pháp dạy học Tiếng Anh.
Chương trình 3: Nghiên cứu khoa học
3.1. Mục tiêu chung
Xây dựng các nhóm nghiên cứu sư phạm; xây dựng kế hoạch hợp tác thực chất với các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Gắn nghiên cứu của chuyên ngành với với định hướng nghiên cứu của trường ĐH Quy Nhơn.
Phát động mạnh mẽ việc sinh viên nghiên cứu khoa học, phát hiện và bồi dưỡng những sinh viên có khả năng nghiên cứu khoa học, hướng các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên theo hướng ứng dụng, tiếp cận thực tiễn.
3.2. Mục tiêu cụ thể
Xây dựng 2 nhóm nghiên cứu mạnh về Ngôn ngữ Anh và Sư phạm Anh, trung bình mỗi năm công bố 2 công trình nghiên cứu.
Tăng cường hiệu quả hợp tác trong nghiên cứu với các nhà nghiên cứu quốc tế và các nhà nghiên cứu ngoài trường.
Mỗi năm công bố 5 bài báo bằng tiếng Anh, đặc biệt là các tạp chí nghiên cứu ở quốc tế .
Trung bình mỗi năm có từ 2-4 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên được duyệt.
3.3. Nhóm giải pháp
Tập trung nhân lực cho các đề tài lớn liên quan Ngôn Ngữ Anh và Sư Phạm Anh. Tổ chức các hội thảo quốc gia và quốc tế về chủ đề trên, tập hợp các chuyên gia đầu đàn về các lĩnh vực trên tham dự.
Có kế hoạch liên hệ với các tạp chí chuyên ngành để công bố nghiên cứu khoa học cho cán bộ của Khoa, hỗ trợ về học thuật cho các công bố này.
Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ sinh viên năm 2, 3, 4 tham gia công tác nghiên cứu khoa học; có cơ chế hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học (cộng điểm rèn luyện, huy động các nguồn tài trợ khác để hỗ trợ chi phí cho sinh viên, trao bằng khen, tổ chức các buổi lễ tôn vinh thành tựu nghiên cứu khoa học sinh viên…)
3.4. Các chỉ tiêu
Duy trì việc tổ chức hội thảo quốc tế về các lĩnh vực có liên quan đến chuyên ngành 2 năm/ lần;
Phấn đấu đến năm 2030, Khoa Ngoại ngữ sẽ đạt 5 đề tài cấp tỉnh, và 15 đề tài cấp cơ sở .
Về nghiên cứu khoa học sinh viên, phấn đấu đến năm 2030, Khoa Ngoại ngữ có khoảng 10 nhóm nghiên cứu có đề tài được duyệt thực hiện.
Chương trình 4: Hợp tác quốc tế
4.1. Mục tiêu chung:
Hợp tác hiệu quả với các đối tác nước ngoài, tận dụng nguồn lực từ hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển toàn diện các mặt của Khoa trong đào tạo, quản lý và nghiên cứu khoa học.
4.2. Mục tiêu cụ thể
• Đẩy mạnh hợp tác với các Trường ĐH ở các nước Âu- Mỹ trong công tác giao lưu trao đổi sinh viên, giảng viên.
• Đẩy mạnh hợp tác với các Trường ĐH ở các nước Âu- Mỹ trong công tác xây dựng giáo trình đặc biệt là giáo trình song ngữ, tổ chức các buổi tập huấn nâng cao trình độ giảng viên.
• Đẩy mạnh các chương trình hợp tác nghiên cứu, tổ chức hội thảo Khoa học quốc tế với các đối tác của các tổ chức giáo dục .
Nhóm giải pháp
• Duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp với các chương trình của tổ chức Fulbright, TESOL giao lưu trao đổi sinh viên. Triển khai thêm các chương trình hợp tác đào tạo ngắn hạn cho sinh viên Lào và các nước ASEAN tại Việt Nam, sinh viên Việt Nam tại các nước ASEAN và các nước Âu - Mỹ.
• Tận dụng nguồn kinh phí từ Quỹ giao lưu quốc tế trong công tác xây dựng giáo trình, tổ chức Hội thảo, mời giảng viên từ các tổ chức nước ngoàisang giảng dạy.
4.3. Các chỉ tiêu:
Tăng cường hiệu quả hợp tác với các đối tác quốc tế.
Duy trì và củng cố mối quan hệ với Tổng lãnh sự quán và các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Chủ động trong hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, chủ yếu là duy trì mối quan hệ với Fulbright, TESOL và British Council.
Quảng bá hoạt động nghiên cứu, đào tạo hướng theo khả năng hợp tác của Khoa thông qua các hình thức đa dạng như trang web, brochure của Trường, tờ rơi giới thiệu Khoa.
Tổ chức định kỳ một năm/1 lần các hoạt động văn hóa Anh Mỹ và Trung Quốc và kêu gọi các đối tác tham gia.
Phấn đấu mỗi năm tổ chức 1 buổi tư vấn giới thiệu thông tin, hướng dẫn cách làm hồ sơ học bổng và các chương trình học bổng cho sinh viên nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các ứng viên của Khoa.
Chương trình 5: công tác chính trị - tư tưởng, công tác sinh viên
5.1. Mục tiêu chung
Tạo môi trường chính trị - xã hội tốt để CBVC, sinh viên, học viên công tác, học tập, rèn luyện; hình thành và xây dựng văn hoá Khoa.
5.2. Công tác chính trị - tư tưởng
5.2.1. Mục tiêu cụ thể:
Tăng cường vai trò lãnh đạo của Khoa đối với công tác chính trị - tư tưởng. Giáo dục, nâng cao ý thức công dân, bản lĩnh chính trị của các thành viên trong trường, tạo sự thống nhất về tư tưởng, lập trường chính trị trong CBVC theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật và Nhà nước. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự kỷ cương, an toàn xã hội.
5.2.2. Nhóm giải pháp:
Củng cố và nâng cao ý thức công chức, bản lĩnh chính trị trong CBVC; phát huy tinh thần dân chủ, tính năng động, sáng tạo của CBVC, phát huy tốt tinh thần “kỷ cương - trách nhiệm - dân chủ - lợi ích”.
Chấp hành sự lãnh đạo của trường, tăng cường vai trò lãnh đạo của trưởng Khoa, vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội đối với các hoạt động của Khoa.
Xây dựng văn hoá Khoa theo tinh thần khoa học, dân chủ, thân thiện, lễ nghĩa. CBVC, sinh viên của Khoa phải có kiến thức về văn hoá và phép ứng xử lịch sự, thân thiện, lễ nghĩa trong môi trường giáo dục.
Tuyên truyền, giáo dục về kiến thức về văn hoá và phép ứng xử văn minh, lịch sự trong môi trường đại học cho Khoa. Ứng dụng ứng kiến thức văn hóa trong thực tiễn giảng dạy và học tập tại Khoa.
Thống kê hóa và cập nhật hóa các thông tin, các thông số liên quan đến sinh viên. Hướng hoạt động của sinh viên theo mục đích chính trị: học tập và rèn luyện tu dưỡng phẩm chất. Quan tâm tới hoạt động học tập và các hoạt động phong trào của Bộ môn. Phối hợp chặt chẽ công tác Khoa với hoạt động Công Đoàn. Nâng cao trách nhiệm của công đoàn viên trong các lĩnh vực chuyên môn, ý thức xây dựng phong trào công đoàn.
5.2.3 Các chỉ tiêu:
100% CBVC của Khoa chấp hành và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật và Nhà nước.
95% Sinh viên chấp hành tốt nội quy , chính sách của nhà trường.
100 % sinh viên chấp hành quy định của pháp luật nhà nước.
5.3 Công tác sinh viên
5.3.1 Mục tiêu cụ thể:
Tăng cường vai trò lãnh đạo của Ban lãnh đạo Khoa, phát huy mạnh mẽ vai trò của trợ lý quản lý sinh viên, đội ngũ cố vấn học tập- giáo viên chủ nhiệm trong công tác quản lý sinh viên, kịp thời nắm được các vấn đề nảy sinh và nhanh chóng giải quyết.
5.3.2 Nhóm giải pháp:
Xử lý kiên quyết, triệt để tình trạng thiếu ý thức tổ chức, kỷ luật, ý thức công chức kém, tính ích kỷ; biểu dương kịp thời những tấm gương tốt trong công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội; tăng cường đối thoại trong sinh viên.
Tạo môi trường chính trị, xã hội tốt để sinh viên trường học tập, rèn luyện. Thiết lập và khai thác các mối quan hệ với doanh nghiệp để tạo thêm nguồn lực cho các hoạt động của Khoa, đặc biệt là công tác hỗ trợ sinh viên. Duy trì mối liên hệ thường xuyên và tranh thủ sự ủng hộ của cựu sinh viên trong các hoạt động của Khoa.
Cải tiến phương pháp quản lý sinh viên theo phương châm: hệ thống và hiệu quả. Cụ thể: Nâng cao vai trò trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm lớp, cố vấn học tập. Duy trì, củng cố quan hệ chặt chẽ với Đoàn TN, Hội Sinh viên. Kế hoạch hóa hoạt động của sinh viên từng học kỳ.
5.3.3 Các chỉ tiêu:
95% Sinh viên Khoa chấp hành tốt nội quy, kỷ luật của nhà trường, chủ trường, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
100% Cố vấn học tập hoạt động tốt, hỗ trợ kịp thời cho sinh viên khi có vấn đề cần trợ giúp.
Chương trình 6: Quản trị đại học và Đảm bảo chất lượng
6.1. Mục tiêu chung:
Cố gắng nâng cao việc áp dụng công nghệ tin học vào quản trị cấp Khoa
Từng bước tiếp cận các chương trình đánh giá, kiểm định chất lượng.
6.1.1. Quản trị đại học:
Áp dụng công nghệ tin học vào quản trị cấp Khoa theo sự phát triển của trường
6.1.2. Đảm bảo chất lượng:
Lưu giữ dữ liệu đầy đủ, phục vụ cho công tác tự đánh giá theo các bộ tiêu chuẩn, sẳn sàng tham gia kiểm định khi hội đủ điều kiện về thời gian.
Triển khai chiến lược phát triển đảm bảo chất lượng, thực hiện nghiêm và có chất lượng các mảng công tác theo nhiệm vụ và chức năng, trên cơ sở rà soát và đánh giá kết quả thực hiện công tác của mỗi năm học, của mỗi giai đoạn phát triển ở từng Tổ Bộ môn.
Bình Định, ngày 19/9/2016
TRƯỞNG KHOA
(Đã kí)
TS. Nguyễn Quang Ngoạn